Cầu Nhật Bản hay còn gọi là Lai Viễn Kiều (cầu Lai Viễn). Đây là cầu cổ duy nhất còn lại ở Hội An. Cầu được người dân quen gọi là chùa Cầu và đã trở thành biểu tượng của đô thị Hội An. Cầu bắc ngang qua một con lạch nước chảy ra sông Thu Bồn, nối hai đường Trần Phú và Nguyễn Thị Minh Khai.
Lịch sử hình thành
Thời gian xây dựng cây cầu chưa có tư liệu chính xác. Theo thư tịch cổ tên gọi cầu Nhật Bản đã có từ năm 1617. Nếu đúng như vậy thì cây cầu đã được xây dựng trước thời gian đó. Cũng có ý kiến khác cho rằng cầu được người Nhật xây vào đầu thế kỷ 17. Cây cầu đã qua ít nhất 6 lần trùng tu vào các năm 1653, 1763, 1817, 1915, 1917 và gần đây nhất là vào năm 1986. Theo các nhà nghiên cứu thì kiến trúc của cây cầu đã được tái tạo vào thế kỷ 18 và 19.
Kiến trúc
Cầu có kiến trúc khá độc đáo theo kiểu “thượng gia hạ kiều”, tức trên là nhà, dưới là cầu – một loại hình kiến trúc khá phổ biến ở các nước châu Á nhiệt đới. Mái cầu lợp ngói âm dương. Đây là loại kiến trúc dân dụng dưới hình thức cầu nối hai bờ lạch rộng hơn 10m. Đồng thời còn là một kiến trúc tín ngưỡng (chùa, đền) thờ vị thần Bắc Đế Trấn Vũ, vì thế mà dân gian quen gọi là chùa Cầu.
Nhìn từ bên ngoài, cầu có dáng mang phong cách kiến trúc Nhật Bản, nổi bật ở hệ mái uốn cong mềm mại. Bên trong, bộ vì kèo của cầu lại mang phong cách kiến trúc Việt – Hoa. Mặt cầu vồng lên kiểu cầu vồng, được lát ván làm lối qua lại. hai bên lối đi có bệ gỗ nhỏ, trước kia làm nơi bày hàng, buôn bán. Móng cầu xây bằng đá, khung bằng gỗ sơn son, chạm trổ rất công phu. Các họa tiết trên gỗ rất hài hòa mang dấu ấn phong cách Nhật, Hoa, Việt và cả phương Tây. Cầu có chiều dài khoảng 18m, rộng 3m, chia thành 7 gian gồm 2 phần là chùa và cầu.
Chùa được dựng sau cầu khoảng nửa thế kỷ, nằm ở bên cạnh cầu, ngăn cách với cầu bằng vách gỗ và bộ cửa “song thượng hạ bản” (trên trấn song, dưới ván), tạo nên không gian riêng biệt. Trên cửa chùa treo bức hoành nền đỏ với ba từ Hán màu vàng “Lai Viễn Kiều” được chúa Nguyễn Phước chu ban sắc nhân cuộc du hành vào Hội An năm 1719, bên trái còn châu ấn.
Dưới bức hoành là đôi “mắt cửa”. Trên cánh cửa chạm nổi hình con sư tử và chiếc quạt xòe rộng mang phong cách Nhật Bản. Bên trong thờ tượng Huyền Thiên Đại Đế (Bắc Đế Trấn Vũ), có nguốn gốc phương Bắc, tượng đặt trên bệ thờ uy nghiêm, một chân đạp lên lưng rùa, hai tay chắp trước ngực. Mục đích thờ vị thần này nhằm trấn áp con quái vật không làm nó kinh động gây nạn thiên tai trong khu vực.
Mỗi đầu cầu có 2 bức tượng thú ở hai bên lối đi. Một bên là 2 tượng khỉ, bên kia là 2 tượng chó. Các tượng này đầu được chạm bằng gỗ mít trong tư thế ngồi chầu. Phía trước mỗi tượng thú đều có một bát nhang. Về tượng 2 con vật này, có ý kiến cho rằng cây cầu được khởi dựng vào năm Thân (khỉ) và kết thúc vào năm Tuất (chó). Có ý kiến lại cho rằng đó là tập quán của người Nhật. Ngày xưa truyền thuyết của người phương Đông cho rằng thiên tai (động đất, lũ lụt, hạn hán) ở Nhật và Trung Quốc, Việt nam đều do hoạt động của một loại thủy quái gọi là Mamazu theo người Nhật, Câu Long theo người Hoa và Con Cù theo người Việt. Đầu con vật này nằm ở quần đảo Nhật bản, đuôi ở Ấn Độ Dương và thân ở Việt Nam. Mỗi khi con vật này cựa mình thì gây ra nạn động đất, lũ lụt hay hạn hán. Người Nhật đã xây dựng các tượng Thần Chó, Thần Khỉ với mục đích trấn yểm quái vật. Theo tín ngưỡng Totem của người Nhật, chó và khỉ là những con vật thiêng có thể khống chế kỳ diệu đối với loài thủy quái từng gây nên thiên tai ở Nhật Bản và khu vực.
Như vậy, cùng với chức năng giao thông, cây cầu còn là công trình tín ngưỡng. Chùa Cầu là một di tích nhỏ nhưng rất có ý nghĩa ở đô thị cổ Hội An. Ngày 17 tháng 2 năm 1990, chùa Cầu được cấp bằng Di tích lịch sử – văn hóa Quốc gia.
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.