Chùa Hà tên tự là Thánh Đức, tọa lạc ở thôn Trung, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy. Chùa Hà cùng với Đình Bối Hà (nhân dân hay gọi ngắn gọn là đình Hà), tạo nên cụm di tích đền – chùa Hà.
Lịch sử
Chùa hướng tây, trước cửa là tam quan, đồng thời cũng là gác chuông hai tầng. Tầng trên đắp ba chữ Hán “Thánh Đức Tự” (chùa Thánh Đức). Tên chùa Thánh Đức gợi mở cho chúng ta về lịch sử xây dựng chùa.
Truyền rằng, vào thời Lý, vùng Dịch Vọng đã có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như chùa Thánh Chúa, chùa Duệ Tú, chùa Thánh Đức,… Có lần vua Lý Thánh Tông đã cầu tự ở chùa Thánh Chúa mà sinh được hoàng tử. Cái tên Thánh Chúa tự cũng có từ đó để kỷ niệm sự kiện này. Trên đường đi vua còn ghé thăm chùa Thánh Đức để ban tiền bạc cho chùa để trùng tu lại. Vì vậy, chùa còn có tên là Thánh Đức tự.
Về việc xây dựng chùa Thánh Đức còn truyền rằng, vào những năm 1459, Lê Nghi Dân không được truyền ngôi đã kết bè kết đảng đang đêm tấn công vào thành Thăng Long đốt cháy cung điện. Vua Lê Thánh Tông còn nhỏ đã được quần thần đưa về các chùa Thánh Đức, Thánh Chúa để lánh nạn, vì vậy, các chùa mới có tên là Thánh Đức, Thánh Chúa.
Trải qua bao phen binh hỏa, chùa Thánh Đức đã bị phá hủy nhiều lần. Đến năm Chính Hòa (1680) chùa vẫn còn lợp lá gồi nên nhân dân còn gọi chùa là chùa Vồi. Thời gian này chùa đã được trùng tu lớn. Diện mạo của chùa hiện nay chính là kết quả của lần trùng tu lớn đó và những lần trùng tu sau này. Hiện nay trong chùa có câu đối:
“Tòng xã hợp Canh Ngọ trùng tu, thập phương chiêm kín tín
Tố Lê triều Chính Hòa sáng tạo, tứ dân đồng phụng thừa”
Nghĩa là:
“Cả một xã năm Canh Ngọ trùng tu, thập phương chiêm ngưỡng
Ngược triều Lê thời Chính Hòa sáng tạo, tứ dân phụng thừa”
Tam quan
Tam quan gác chuông chùa hà xây hai tầng có hệ thống cầu thang lên ở phía bên trái. Tầng trên kiến trúc theo kiểu chồng diêm, giữa bờ đinh mái thượng đắp nổi hình mặt trời lửa đặt trên hình hổ phủ, hai đầu kìm đắp hình rồng đuôi xoắn, miệng ngậm bờ nóc, mái lợp giả ngói ống. tầng dưới chia làm ba gian với mười hai cột trụ xây nổi trên mặt tường. Tam quan có ba vòm cửa, cửa giữa rộng hơn hai cửa bên.
Tiền đường
Tiền đường gồm năm gia, xây kiểu mái chồng diêm hai tầng, ngăn cách giữa mái thượng và mái hại là chấn song kiểu con tiện tạo ánh sáng tự nhiên cho phần nội thất bên trong tòa nhà, mái lợp ngói mũi hài. Bờ nóc mái tượng đắp hồ lô đựng nước Cam Lồ của nhà Phật. bộ khung đỡ mái gồm sáu bộ vì kèo làm kiểu “Thượng giá chiêng, hạ kẻ bẩy hiên”, các cột đỡ mái kiểu “Thượng thu – hạ thách”, nền lát gạch Bát Tràng, cao hơn mặt sân 50cm, xung quanh bó vỉa bằng phiến đá xanh.
Tòa Thượng điện
Tòa Thượng điện gồm bốn gian thờ dọc. Một đầu được nối với nhà Tiền đường tạo thành chữ “Đinh”, xây kiểu tường hối bít đốc, mái lợp ngói mũi hài. Nền tòa Thượng điện được lát gạch vuông. Kiến trúc nội thất gồm bốn hàng chân cột đỡ mái làm theo kiểu trơn kẻ soi.
Những di vật có giá trị được lưu giữ
Hiện nay, tại di tích còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật như bộ tượng tròn gồm 28 pho, trong đó có 21 pho tượng Phật, 6 pho tượng Mẫu, tượng Cô, tượng Cậu, 1 pho tượng tổ. Các tượng đều được thếp vàng lộng lẫy và mang đậm phong cách nghệ thuật cuối thời Nguyễn.
Nổi bật nhất trong các di vật của chùa là quả chuông đồng “Thánh Đức tự chung” niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 7 (1799)- một di vật thời Tây Sơn còn được bảo quản nguyên vẹn. Chuông cao 1m20, chu vi đáy 1m80 được đúc tinh tế. Phần trên bốn múi chuông được khắc nội dung văn chuông, phần dưới khắc tứ linh: long, ly, quy, phượng được cách điệu tinh tế, sống động. Phía trên là hai con bồ lao đầu nhìn về hai phía, bốn chân gắn chặt vào chuông. Hai con bồ lao không chỉ là quai để treo chuông mà còn giúp cho chuông kêu to và vang hơn. Nó thức tỉnh con người đang rong cơn mê tham, sân, si hướng họ quy y phật pháp để giác ngộ, để nghĩ về điều thiện và làm điều thiện.
Ngoài ra ở bên phải trước cửa chùa còn đặt 18 tấm bia hậu được tạo vào cuối thời Nguyễn.
Điện Mẫu
Phía sau chính điện của chùa là điện Mẫu. Kiến trúc điện Mẫu bao gồm phía trước là phương đình, phía sau là Thần điện. Trong phương đình có đặt đỉnh hương và đôi hạc lớn. Phía sau phương đình là nhà bái đường gồm 5 gian làm theo kiến trúc cổ. Gian chính giữa đặt tượng Mẫu Thượng Thiên trang phục màu đỏ. Bên trái là tượng Mẫu Thượng Ngàn trang phục màu xanh. Bên phải là tượng Mẫu Thoải trang phục màu trắng. Ngoài ra còn có tượng ông hoàng, bà chúa và các tượng cô cậu khác.
Lễ hội
Hiện nay, đình và chùa Hà được tổ chức các lễ hội: Ngày 11 thánh Giêng (âm lịch) kỷ niệm ngày sinh của Thành hoàng Triệu Chí Thành; ngày 12 tháng 8 (âm lịch) kỷ niệm ngày hóa của Thành hoàng. Đặc biệt, hàng năm cứ vào ngày 12 tháng 2 âm lịch là ngày vào đám cầu phúc, cầu mưa thuận gió hòa, người khỏe, của nhiều.
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.