Nổi tiếng với các món bánh tráng thịt heo, gỏi cá Nam Ô, mì Túy Loan, thì món bún chả cá ở Đà nẵng từ lâu đã trở thành đặc sản “thương hiệu” của thành phố này. Cùng chúng tôi học cách nấu bún chả cá Đà Nẵng nhé!
Bún chả cá được chế biến theo nhiều cách, cầu kỳ thì có thể dùng cá thu, cá thát lát, cá mối,… Thường thì các loại cá tạp khi ăn phối hợp thêm rau sống tạo nên một món ăn khá cân bằng về dinh dưỡng.
Bún chả cá cung cấp một khối lượng dinh dưỡng đáng kể: mỗi tô khoảng 400-500 kcalo, chất đạm, acid amin. Thêm vào đó, nó chứa ít cholesterol và giàu Vitamin A và Vitamin D.
Cách làm bún chả cá Đà Nẵng ngon khó cưỡng
Nguyên liệu để nấu bún chả cá Đà Nẵng
1 Nguyên liệu để làm chả
Chả cá có thể làm từ nhiều loại cá khác nhau như cá thu, cá thát lát, cá nhồng,…. Ở Đà Nẵng chả cá được làm từ hỗn hợp nhiều loại cá khác nhau ở địa phương, thường là cá thu hoặc cá mối. Hoặc bạn có thể dùng 2 loại cá thát lát và basa nhiều trong các siêu thị, tiện dụng.
- 300g cá thác lát
- 200g phi lê basa
- 100g mỡ thăn
- 1 quả trứng gà
- 1 muỗng canh bột mì (có thể có hoặc không)
2 Nguyên liệu để nấu nước bún
- Xương ống heo
- 100g bí đổ cắt to khoảng 4,5cm
- 10 lá bắp cải
- 3 quả cà chua
- ¼ trái thơm chín
- Một ít măng (khô hoặc tươi)
- 2 muỗng canh mắm ruốt
3 Nguyên liệu để làm rau ăn kèm món bún
- Rau xà lách
- Húng quế
- Giá sống
- Húng lủi
- Hành lá
- Hành hương
Chuẩn bị các gia vị thông thường khác, nhớ phải mua bún nhé!
Công thức nấu bún chả cá Đà Nẵng cực ngon
- Công đoạn 1: Làm chả cá
- Đầu tiên đối với cá basa bạn sơ chế và đối với phi lê cá basa bạn đem cắt nhỏ và xay nhuyễn, mỡ thăn cắt hạt lựu và chuẩn bị riêng bột mì đánh tan với trứng gà.
- Cá thác lát nạo cùng với cá thu, mỡ thăn trộn cùng với hỗn hợp bột mì đánh trứng và 1 muỗng cafe dầu điều, ½ muỗng muối, ½ muỗng hạt tiêu, ½ muỗng cafe đường và 1 củ hành tím băm nhuyễn.
- Lưu ý: Bạn cần cân nhắc tỷ lệ trộn cho hợp lý và đều tay để các nguyên liệu làm chả cá được đều gia vị.
- Tiếp theo bạn cần nặn hỗn hợp vừa trộn thành những viên tròn đều với đường kính khoảng 5cm, dày 1cm. Nhưng bạn rằng trước khi nặn thì hãy thoa một chút dầu ăn đều lên hai bàn tay vì khi nặn sẽ không bị dính và dễ dàng hơn nhiều đấy! Mỗi miếng chả cá nên được nặn tỉ mẩn thành những dạng tròn vừa ăn.
- Sau đó bạn hãy chuẩn bị một chảo và để chúng đến khi nóng thì cho dầu ăn vào đun sôi lên, bạn sẽ tiến hành chiên chả cá ngập lượng dầu ăn ấy đến khi chúng chín vàng đỏ đẹp mắt. Nếu bạn không muốn chả cá chiên thì bạn có thể đem chúng vào hấp sẽ bớt dầu mỡ hơn.
- Nếu là cá thu hay cá ngừ thì cắt lát, um sơ trước (để cá khỏi nát), ướp với mắm, muối, tiêu, hành băm rồi bỏ vô nồi nước thay chả cá.
- Công đoạn 2: Làm nước bún
- Xương heo được rửa sạch và cho vào nồi ninh đến nhừ (nếu bạn muốn nước bún được ngọt thì ninh càng lâu càng tốt nhé)
- Bí đỏ sau khi đã cạo vỏ và rửa sạch, cắt miếng khoảng 4x5cm.
- Bắp cải cắt miếng bằng 1/2 bàn tay.
- Cà chua cắt múi
- Thơm xắt lát mỏng
- Măng khô xé sợi, ngâm nước cho mềm (nếu là măng tươi thì chỉ cần rửa sạch, cắt sợi). Nên luộc măng với ít muối, khi luộc mở nắp để các chất độc trong măng bay hơi.
- Mắm ruốc pha vào nước lạnh, để lắng lấy phần nước trong.
- Tiếp tục bạn cho hết hỗn hợp trên vào nồi nước xương. Nêm vào 2 muỗng canh nước mắm ngon, 1/2 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe hạt nêm, 2 muỗng cafe đường. Nước sôi đổ phần nước mắm ruốc vào, hầm lửa vừa, sôi lăn tăn để các loại rau quả ra nước ngọt.
Lưu ý khi nước hầm sôi thì chúng ta chỉ nên để lửa nhỏ hoặc liu riu để tất cả được nhừ và nước ngọt hơn.
Khoảng lúc gần được thì bạn hãy cho chả cá vừa chiên vào đó hầm cùng trong khoảng 30 nữa và nêm nếm lại cho vừa miệng.
Công đoạn 3: Làm hành chua ăn kèm
- Hành tím bóc vỏ, chẻ dọc làm 2, củ nào to cắt nhỏ làm 4. Nếu thích cà rốt thì gọt vỏ cà rốt, cắt hạt lựu bằng miếng hành.
- Pha hỗn hợp theo tỉ lệ: 1 chén nước ấm + 1 muỗng cafe đường, 1/2 muỗng cafe muối – Ngâm hành vào, 1 ngày sau ăn được.
Công đoạn 4: Sơ chế rau
- Lượng rau sống ăn kèm bạn chuẩn bị tuỳ theo sở thích mà có thể bao gồm: Xà lách, húng quế, húng lủi, giá đỗ.
- Nhớ nhặt bỏ phần rễ và phần già, hỏng của chúng rồi rửa sạch ngâm trong nước muối loãng. Bạn ngâm khoảng 30 phút thì vớt rau ra để ráo nước. Còn riêng giá đỗ thì bạn chỉ cần ngâm chúng vào nước lạnh để khỏi bị thâm giá là được.
Công đoạn 5: Trình bày món bún chả cá Đà Nẵng
Bún cho vào tô, chan nước lều cùng với chả cá hoặc cá lát vào bún.
Lưu ý là nước bún phải nóng thì ăn mới ngon, không nge mùi tanh của cá. Chả cá có màu vàng đỏ, da dai, trong mềm ngọt, nước ngọt đậm đà kết hợp với hành chua vừa tới, giòn, không bay mùi hăng – Khi ăn dọn kèm với rau sống, tỏi ớt giã nhỏ, mắm ruốc, chanh.
Ai đã từng đến Đà Nẵng hẳn sẽ không quên được mùi vị ngon đượm tình của món bún chả cá nơi đây. Không như bún chả cá Nha Trang hay bún chả cá Bình Định, bún chả cá Đà Nẵng có vị ngọt, thơm và hơi chua rất riêng khiến cho nó được nhiều người yêu thích. Nếu chưa có dịp tới Đà Nẵng để thưởng thức món ăn thật đặc biệt này, bạn hãy thử tự làm tại nhà với cách nấu bún chả cá Đà Nẵng mà chúng tôi vừa bật mí nhé! Chắc chắn bạn và các thành viên trong nhà sẽ bị chinh phục ngay đấy.
Chúc các bạn thành công!
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.