Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc (xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) sẽ là nơi diễn ra Đại lễ Phật đản (Vesak) Liên hợp quốc năm 2019, thời điểm diễn ra Đại lễ từ ngày 12 đến 14/5/2019.
Được biết, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc vẫn đang trong quá trình xây dựng, và dự kiến, mọi thứ sẽ hoàn thành trước ngày Phật đản 2019. Tại trung tâm văn hóa này, nổi bật có chùa Tam Chúc được xây dựng từ thời nhà Đinh, với điển tích “Tiền Lục nhạc – hậu Thất Tinh”.
Trong tích “Tiền Lục nhạc – hậu Thất Tinh” kể lại, trong dãy núi 99 ngọn ở phía Tây Nam hướng về chùa Hương thì có 7 ngọn núi ở gần làng Tam Chúc, điều lạ là trên đỉnh 7 ngọn núi này có 7 chấm sáng như những ngôi sao nên gọi là thất tinh, nên gọi thêm là chùa Thất Tinh.
Chùa còn có tên gọi là chùa Ba Sao, theo tích, có người đến 7 ngọn núi kể trên đốt củi hòng lấy 7 ngôi sao, nhưng chỉ làm mờ được 4 ngôi sao, còn lại 3 ngôi sao nên gọi là Ba Sao. Chùa từ đó còn gọi là chùa Ba Sao.
Trước chùa Tam Chúc có hồ nước ngọt, trong hồ có 6 quả núi gọi là lục nhạc. Từ hai sự tích này gộp lại thành điển tích “Tiền Lục nhạc – hậu Thất Tinh”. Xét về phong thủy, thì cảnh quan ở đây hữu tình, trước mặt có nước, sau lưng tựa núi.
Diện tích hiện nay của hồ Tam Chúc khoảng 600 ha; còn khu di tích tâm linh được xây dựng với diện tích khoảng 147 ha, trong đó, khu chùa Ba Sao chiếm 44 ha bao gồm các hạng mục: điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, cổng Tam Quan.
Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc không những có cảnh quan đẹp, có lịch sử lâu đời, mà còn gắn sự tích với nhà Đinh, cũng như nằm trong vùng có nhiều di tích danh thắng nổi tiếng: đền Lê Chân, chùa Ông, chùa Tam Giáo, chùa Kiêu, chùa Vân Mộng, đền Lý Thường Kiệt, chùa Thi, Động Thủy, chùa Thiên Phúc, chùa Bà Đanh…
Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc hiện nay còn mang nhiều nét độc đáo mới, như: toàn bộ tường của chùa Tam Chúc được ghép bằng 12.000 bức tranh đá lấy từ núi lửa; vườn cột kinh khổng lồ gồm 1.000 cột đá, được biết mỗi cột cao 12 m, nặng 200 tấn; có cây Bồ Đề Vĩ Đại Cát Tường (Jaya Sri Maha Bodhi) ở Thánh tích Mahamegha, Cố đô Anuradhapura (Sri Lanka), với tuổi thọ 2.250 tuổi; 3 bức tượng Phật tổ bằng đồng đen nặng hơn 200 tấn, thiên thạch mặt trăng “The Moon Puzzle” trị giá trên 600.000 USD…
Được biết, cây Bồ Đề Vĩ Đại Cát Tường có gốc gác từ cây cây bồ đề thiêng ở Bodh Gaya – Ấn Độ, chính tại nơi đây, tại cây bồ đề này, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã đắc đạo.
Còn thiên thạch mặt trăng “The Moon Puzzle” được tìm thấy ở sa mạc Sahara, với tuổi đời trên trái đất từ hàng nghìn năm trước. Với hệ thông núi đá vôi và có hồ nước tuyệt đẹp, Tam Chúc được coi như “Vịnh Hạ Long” trên cạn.
Đại lễ Phật đản (Vesak) Liên hợp quốc năm 2019 dự kiến sẽ có khoảng 10.000 người tham dự, đến từ khoảng 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo nguồn tin từ trang Phật giáo, Vesak là tiếng Sinhalese của người dân đảo quốc Sri Lanka (Tích Lan), tiếng Pali là Vesakha, tiếng Phạn (Sanskrit) là Vaisakha, là tháng theo lịch Ấn Độ. Đó cũng là tháng đầu trong năm của lịch nước Nepal. Và từ xa xưa, Đại lễ Vesak hay còn gọi là lễ Tam hợp (Phật đản sinh, Phật thành đạo và Phật Niết bàn – là ngày lễ kỷ niệm 3 sự kiện quan trọng trong cuộc đời của đức Phật Thích ca mâu ni), đã được tổ chức tại các quốc gia Phật giáo theo truyền thống Nam truyền, bắt đầu từ Sri Lanka sau đó truyền sang Miến Điện, Thái Lan, Lào…
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.