Điện Thái Hòa nằm trên đường xuyên tâm Hoàng Thành và nhìn thẳng ra Ngọ Môn, được xây dựng từ năm 1805 đời vua Gia Long, năm 1806 vua Gia Long chính thức tổ chức lễ đăng quang ở đây.
Điện Thái Hòa
Năm 1833, vua Minh Mạng xây dựng lại điện Thái Hòa ở vị trí hiện nay trên nền cao 2,35m so với mặt đất. Tòa điện dài 44m, rộng 30,5m gồm chính tịch (nhà sau) 5 gian, 2 chái và tiền tịch (nhà trước) 7 gian, 2 chái. Kết cấu điện Thái hòa theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc” tức là mái chồng lên nhau, nhà nối liền nhau. Nhà trước và nhà sau cùng chung mặt nềm, cột sơn son vẽ rồng vàng. Trên bờ nóc trang trí các mảnh sứ nhiều màu. Mái điện lợp ngói hoàng lưu ly. Gian chính giữa có treo một bức hoành có ghi “Thái Hòa Điện”, phía trong là ngai vàng đặt trên bệ tam cấp. Từ trên hoành rủ xuống một cái bửu tán thếp vàng, thêu hình viên long. Trên cao mỗi căn có treo đèn thủy tinh hoặc lồng đèn trang trí thơ văn và hình ảnh cách điệu theo lối “nhất thi nhất họa”, nghĩa là mỗi bức tranh một bài thơ.
Năm 1839, vua Minh Mạng cho sơn son thếp vàng bộ tuồng gỗ điện làm tăng thêm vẻ huy hoàng cho ngôi điện lịch sử này. Năm 1899, vua Thành Thái cho lát gạch hoa kiểu Tây phương. Ban đầu Điện Thái Hòa để trống, chỉ có những bức sáo tre. Năm 1923, vua Khải Định cho lắp hai lớp cửa kính ở phía trước và phía sau. Trong điện có đặt một số ché và đồ gốm cổ. Trước sân đặt một hàng đôn bằng đá chạm. Trên mỗi đôn có một cái thống lớn trồng cây cảnh quý. Những người xây Điện Thái Hòa đã tạo được hai chi tiết đặc biệt. Một là mùa hè vào Điện sẽ mát, mùa đông vào Điện ấm hơn. Thứ hai là ngồi trên ngai ở trung tâm vua có thể nghe rõ quần thần trình tấu, vua nói ở trong Điện các quan ngồi ở các vị trí có thể nghe rõ.
Các nghệ nhân xây dựng Điện Thái Hòa đã sử dụng tài tình khái niệm “hào” trong Kinh Dịch phương Đông. Đó là hai con số 9 và 5. Cửu là 9 tương ứng với 9 con rồng. Năm là 5 thềm bậc. Ý nghĩa của hai con số này thuộc quẻ “Càn”, ứng với mạng thiên tử, sánh với đức thành nhân, thuộc địa vị cao nhất trong xã hội. Quẻ “Càn” trong Kinh Dịch có câu “Càn nguyên dụng cửu thiên hạ tri dã”, tức là “đạo làm vua dùng hào số 9 bình trị được thiên hạ”.
Sân Đại Triều Nghị
Sân trước Điện có tên Đại Triều Nghị, lát đá Thanh (đá ở Thanh Hóa), chia làm 2 cấp. Trên dành cho quan văn, quan võ, ấn phẩm từ hàng Tam phẩm trở lên Chánh nhất phẩm. Cấp dưới dành cho những quan còn lại. Hai bên sân có hai hàng trụ đá đề rõ phẩm trật quy định vị trí cho các quan theo thứ tự gọi là Phẩm Sơn.
Phần sân thấp giáp cầu Trung Đạo và hồ Thái Dịch còn một hàng đá nữa dành cho các kỳ cựu hương lão, thích lý đến chầu trong những dịp khánh tiết. Hai góc sân có 2 con kỳ lân bằng đống thếp vàng để trong hòm kính khung gỗ sơn vàng. Hai con kỳ lân này tượng trưng cho sự thái bình. Đồng thời là biểu tượng nhắc nhở sự nghiêm minh giữa chốn triều nghi.
Điện Thái Hòa là nơi tổ chức những lễ lớn nhất của triều đình như lễ lên ngôi, lễ phong Hoàng Thái Tử, lễ đón tiếp sứ thần nước ngoài, lễ vạn thọ (sinh nhật vua),… Mỗi tháng có hai lần thiết đại triều ở đây vào ngày mùng 1 và 15 âm lịch. Lễ thường triểu tổ chức ở Điện Cần Chánh, phía sau Đại Cung Môn.
Khi thiết triều, vua đội mũ Cửu Long, mặc Hoàng Bào, lưng đeo đai, tay cầm hốt trầm quế, chân đi hia, uy nghi ngồi trên ngai vàng. Các quan tứ trụ và những hoàng thân, quốc thích được đứng hai bên trong điện. Toàn bộ các quan khác xếp hàng đứng ở ngoài sân theo phẩm trật. Những buổi thiết đại triều thường tổ chức rất sớm, phải hoàn tất trước khi mặt trời lên.
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.