Hội quán Quảng Đông ở địa chỉ 176 Trần Phú, nằm gần chùa Cầu, phía trước nhìn ra phố Trưng Nhị, phố ẩm thực của đô thi Hội An. Hội Quán Quảng Đông còn gọi là Đông Triều Hội quán bởi Hội Quán do Hoa kiều bang Quảng Đông xây dựng vào năm 1885.
Tuy nhiên, những người trong ban quản lý Hội quán lại tin rằng hội quán được lập vào khoảng những năm cuối của thế kỷ 17 và có lẽ lần trùng tu lớn nhất là vào năm 1885.
Khái quát
Quảng Triều Hội quán nằm trong khuôn viên hình chữ “Quốc” khép kín, bao gồm: một cổng lớn (tam quan), sân trước rộng đặt cây cảnh, phương đình, nhà đông, nhà tây, sân trời và chính điện. Ban đầu Hội quán thờ bà Thiên Hậu, sau chuyển sang thờ Quan Công và tiền hiền của bang.
Tam quan
Nhìn trang trí bên ngoài hội quán đã rất đẹp, khang trang với mặt tiền có tam quan xây bằng đá với 4 hàng cột cũng bằng đá. Trên cao đắp nổi 4 chữ Hán màu đỏ “Hội Quán Quảng Triều”. Mái tam quan lợp ngói ống màu xanh lục. Trên mái trang trí các hình nồi rồng ghê, hoa chanh. Các cột đỡ mái bằng đá chạm khắc nhiều loại hoa văn trang nhã.
Sân trước và phương đình
Qua tam quan là đến sân trước thoáng rộng, có đôi sư tử to bằng đá, tư thế đang chầu trước phương đình. Mặt tiền của phương đình và hàng cột đỡ mái đều được xây bằng đá. Người ta truyền lại rằng nhiều nguyên vật liệu xây dựng Hội quán được đưa từ Trung Quốc sang, đặ biệt là các cột chống mái, đá lát nền, sư tử đá. Việc sử dụng các chất liệu gỗ, đá trong kết cấu chịu lực, các chi tiết trang trí đã đem lại cho hội quán những nét đường bệ rất riêng. Bên trong bày bộ bàn ghế gỗ lớn màu đen dùng để tiếp khách hoặc họp hội đồng hương. Hai mặt tường bên cạnh có hai bức tranh lớn với chủ đề về các nhân vật tuồng hát vùng Quảng Đông thời trước.
Sân trời
Nối tiếp phương đình là khoảng sân trời có hòn non bộ với hai con rồng đắp nổi, trên mình được ghép các mảnh gốm sứ màu xanh đang uốn lượn vui đùa cùng cá chép rất sinh động. Mô hình phỏng theo triết lý cổ xưa quen thuộc với người Trung Hoa, tượng trưng cho sự thành đạt, dư dật.
Chính điện
Qua sân trời vào đến chính điện. Mái chính điện lợp bằng ngói ống màu xanh lục. Bên trong là các cột đỡ mái làm bằng gỗ mít rất bền chắc, chạm khắc công phu. Hàng cột ngoài hiên chính điện sơn màu son đỏ. Trên thân cột trang trí hình rồng nổi quấn quanh cột, màu vàng, chạm họa tiết tỉ mỉ công phu. Giữa chính điện thờ tượng Quan Công mặc áo bào uy nghi. Trong chính điện còn có ban thờ các bậc Tiền hiền, những người có công đóng góp xây dựng, tôn tạo Hội quán. Trước kia, Hội quán còn là nơi tạm trú của các ngư dân và thương nhân của người Hoa ở Quảng Đông sang và là địa điểm trao đổi hàng hóa. Lúc bấy giờ chưa có con đường Nguyễn Thái Học và Bạch Đằng, trước mặt Hội quán là bến sông.
Hội quán còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ như 4 bức hoành phi lớn, 1 lư đồng lớn, cặp đôn sứ Trung Hoa và nhiều tư liệu quý về cộng đồng người Hoa sống ở Hội An. Hội quán Quảng Đông là một trong những di tích được cấp bằng di tích lịch sử sớm nhất Hội An. Hàng năm vào ngày tết Nguyên Tiêu, lễ vía Quan Công (24 tháng 6 âm lịch) diễn ra tại đây rất trang trọng, linh đình, thu hút đông đảo khách hành hương.
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.