Đền Trung Đô Lào Cai là một ngôi đền khá nổi tiếng trong địa bàn tỉnh nhà, đối với khách du lịch có thể là xa lạ nhưng với người dân tại đây thì ngôi đền này cực kỳ linh thiêng, ai ở Tỉnh Lào Cai hầu như đều biết tới ngôi đền này. Nhưng vì ở vị trí không thuận lợi, cũng như không có nhiều sự quảng bá cho nên còn ít người biết đến ngôi đền Trung Đô.
Đền Trung Đô
Nằm trong một thung lũng của làng Trung Đô, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, nơi hợp lưu giữa hai dòng suối Nậm Thin (hay còn gọi là Nậm Thiên) ở phía Bắc, suối Nậm Khòn ở phía Đông và sông Chảy nằm ở phía Tây ngôi đền. Đền nằm trong khu vực có địa thế với đầy đủ các yếu tố về sông, núi, và hội tụ đầy đủ các điều kiện cần có về phong thuỷ tạo cho ngôi đền một vẻ uy nghi trang trọng.
Miếu Trung Đô
Miếu Trung Đô được xây dựng vào cuối thế kỉ 18, thời gia quốc công Vũ Văn Mật cùng dòng họ Vũ và tướng quân Hoàng Vần Thùng đã có công lao to lớn lãnh đạo nhân dân kiên trì bám trụ, đắp thành xây lũy chống lại thế lực nhà Mạc. Trong “Kiến văn tiểu lục” của Lê Qúy Đôn có viết “ Ở vùng Ngọc Uyển (tức là Trung Đô, Bảo Nhai và vùng phụ cận bây giờ) gia quốc công Vũ Văn Mật đã cho xây dựng thành, đắp lũy chống lại nhà Mạc ngót 20 năm…”. Tiếp đó tướng quân Hoàng Vần Thùng kế nghiệp. Để tưởng nhớ tới vị anh hùng dân tộc này, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ. Hằng năm vào tháng bảy âm lịch nhân dân tổ chức lễ cúng đền.
Cách đền làng khoảng 2km về hướng Bắc là di chứng thành cổ là một dải lũy xếp bằng đá, chén đất cao gần 2m bọc lấy một quả đồi bên suối Nậm Thin. Cũng tại vùng đất này năm 1989 một người dân trong làng khi đi cày nương đã đào được khẩu sung thần công làm bằng đồng nặng trên 300kg, dài 8m đã được đem về bảo tàng văn hóa lịch sử Lào Cai trưng bày. Ngay trong rừng cấm sau đền có một tấm bia đá cao gần 2m được đục bằng đá trắng . Tương truyền đó là nơi tập trung binh lính tuyên thệ khi ra trận quyết tử với kẻ thù. Ở bên trái cách đền khoảng 30m trong khu rừng cấm có một gò đất khá to, xung quanh được xếp bằng đá tảng bảo vệ, đó là ngôi mộ đôi của hai vợ chồng ông Hoàng Vần Thùng. Sau khi gia quốc công Vũ Văn Mật kéo quân về xuôi, Hoàng Vần Thùng được phong làm đại tướng toàn quyền chỉ huy vùng Trung Đô. Ông đã nhiều lần đánh giặc tàu thì thắng, dẹp giặc minh thì yên.
Sau này trong một lần đánh giặc phương Bắc mặc dù chiến đấu hết sức dũng cảm song thế giặc quá mạnh, quân của ông bị thua. Quyết không để lọt vào tay giặc, ông và vợ đã quyên sinh ngay sau khu đền. Những binh lính còn sống xót cùng dân làng đã đắp đất vào nơi ông bà mất sau đó mối xông lên thành gò lớn. Ngày trước, gò chia đôi rõ nét dần dần thành một. Hiện truyền thuyết về ông Hoàng Vần Thùng vẫn được nhân dân nơi đây lưu giữ, truyền tụng. Trải qua thời gian ngôi đền đã bị tàn phá chỉ còn lại 28 viên đá tảng được chạm khắc những hình họa như người, vượn, chim công… Với những đường nét tinh vi độc đáo, 20 bát hương sứ. Đây là những cổ vật có niên đại từ thế kỉ 18.
Sau khi đề nghị được công nhận di tích văn hóa – lịch sử quốc gia, chính quyền huyện Bắc Hà kết hợp với tỉnh Lào Cai đã đầu tư 6,5 tỉ đồng xây dựng tái tạo khu di tích này gắn với quy hoạch phát triển làng sinh thái – văn hóa Trung Đô, tạo đồng bào cho dân tộc Tày nơi đây phát triển mô hình “du lịch cộng đồng”. Khu di tích lịch sử Trung Đô được tái tạo, xây mới gồm các hạng mục công trình: công trình cầu đường bắc qua suối vào làng, công trình kè suối ngăn không cho dòng nước chảy lấn, xói mòn vào khu di tích đền, ngôi đền Trung Đô mới, cổng đền.
Bên cạnh đó Trung Đô còn có các danh lam, di tích như cây gạo Nàng Niến, hòn đá thề, rùa đá, ao sen…với các tục truyền gắn với lịch sử của làng Trung Đô. Đây là một điểm đến đầy hứa hẹn cho những du khách ưa thích tìm hiểu lịch sử giữ nước của dân tộc cũng như phong cảnh miền núi rừng Tây Bắc mộc mạc, nên thơ, trữ tình.
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.