Lăng Dục Đức là khu mộ chung của 3 thế hệ vua triều Nguyễn: Dục Đức (cha), Thành Thái (con) và Duy Tân (cháu). So với các lăng khác của các vua nhà Nguyễn thì Lăng Dục Đức có cấu trúc đơn giản và quy mô nhỏ hơn.
Tóm tắt tiểu sử ba vị vua an táng tại Lăng Dục Đức
Vua Dục Đức
Vua Dục Đức tên húy là Ưng Chăn, sinh ngày 11 tháng 2 năm 1853, tức ngày 4 tháng 1 năm Quý Sửu. Ông là con của Nguyễn Phúc Hồng Y nhưng được vua Tự Đức chọn làm con từ năm 2 tuổi. Sau khi Tự Đức băng hà, theo di chiếu truyền ngôi, Ưng Chăn lên nai vàng vào ngày 19 tháng 7 năm 1883 và được gọi theo tên tư thất là Dục Đức (Dục Đức đường – nơi ở của Ưng Chăn trong Kinh thành) vì chưa kịp đặt niên hiệu. Dục Đức là vị vua thứ 5 của triều Nguyễn.
Vua Dục Đức chỉ ở ngôi được 3 ngày, sau đó bị phế truất vì tội lược bỏ 1 đoạn văn trong di chiếu truyền ngôi của tiên đế. Ông bị tống giam vào ngục. Ngày 6 tháng 10 năm 1883, vua Dục Đức bị chết trong ngục, thi hài được cuộn trong 1 mảnh chiếu, được vài tên lính khiêng đi chôn. Giữa đường chẳng may đứt dây, thi hài rơi xuống đất và họ mai táng luôn chỗ đất “thiên táng” đó. Ba ngày sau, vợ con vua Dục Đức mới được thông báo để làm lễ chịu tang.
Vua Dục Đức có 11 con trai và 8 con gái.
Vua Thành Thái
Vua Thành Thái sinh ngày 14 tháng 3 năm 1879 tức ngày 22 tháng 2 năm Kỷ Mão. Ông là con thứ 7 của vua Dục Đức, tên húy là Bửu Lân, được đưa lên làm vua năm 1889, trở thành vị vua thứ 10 của triều Nguyễn khi ông mới 10 tuổi. Sau khi làm vua lấy niên hiệu là Thành Thái. Đầu năm 1890, Thành Thái cho xây dựng lăng mộ của vua cha ngay tại nấm mồ thiên táng đó và đặt tên là An Lăng.
Năm Thành Thái thứ 11 (1899), nhà vua cho xây dựng cung điện Long Ân ở phía phải lăng mộ làm nơi thờ cúng vua cha.
Năm 1907, vua Thành Thái bị truất ngôi vì có tư tưởng chống Pháp và bị đày đi biệt xứ.
Năm 1947, vua Thành Thái được trở về nước và sống ở Sài Gòn. Tháng 3 năm 1955 ông mất tại đây, thọ 76 tuổi. Thi hài của ông được hoàng tộc đưa về an táng trong khuôn viên lăng Dục Đức.
Theo tư liệu của Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô Huế, vua Thành Thái có 19 con trai và 26 con gái.
Vua Duy Tân
Duy Tân là con trai vua Thành Thái, sinh ngày 19 tháng 9 năm 1900 (26 tháng 8 năm Canh Tý). Ông được đưa lên ngôi vua năm 1907, trở thành vị vua thứ 11 của triều Nguyễn. Năm 1916, vua Duy Tân bị bắt vì tội tham gia cuộc khởi nghĩa chống Pháp và cũng bị đày đi biệt xứ như vua cha. Năm 1987, hài cốt vua Duy Tân được cải táng từ Trung Phi đưa về an táng cạnh mộ vua Thành Thái.
Cấu trúc lăng Dục Đức
Lăng Dục Đức là khu mộ chung của 3 thế hệ vua triều Nguyễn: Dục Đức (cha), Thành Thái (con) và Duy Tân (cháu). So với các lăng khác của các vua nhà Nguyễn thì Lăng Dục Đức có cấu trúc đơn giản và quy mô nhỏ hơn. Tại đây cũng có hai cụm kiến trúc là điện Long Ân và lăng mộ.
Lăng Dục Đức hình chữ nhật có diện tích 3.445m2, bên trong không có Bi Đình, tượng đá. Vào lăng đi qua tam quan khá lớn xây bằng gạch, mái giả bằng xi măng. Sau cổng là Bái Đình. Đi tiếp đến tam quan 3 tầng cũng xây mái giả và trang trí hoa lá bằng sứ đắp nổi. Chính giữa Bửu Thành có 1 nhà hình ốc được xây trên nền hình vuông mỗi cạnh khoảng 8m, mái lợp ngói hoàng lưu ly, bên trong có bàn và sập đá Thanh trên bàn có bày hương án và lễ vật cũng kỵ. Hai bên trái phải là mộ vua Dục Đức và hoàng hậu Tư Minh nằm đối xứng nhau. Tấm bình phong trước mộ vua có đắp nổi hai chữ “hỷ” (song hỷ), đối xứng với song hỷ là chữ “thọ”.
Điện Long Ân ở trung tâm khu vực lăng, xây dựng theo phong cách các ngôi điện ở Huế. Bên trong có 3 án thờ bài vị của các vị vua: Dục Đức và vợ thờ ở giữa, Thành Thái (bên trái) và Duy Tân (bên phải).
Phía sau điện Long Ân là nơi yên nghỉ của hai vua là Thành Thái và Duy Tân. Trong khu vực này còn nhiều ngôi mộ của những người trong quyến thuộc các vị vua trên.
Lăng Dục Đức cũng có kết cấu giống với lăng của các vị vua triều Nguyễn khác nhưng còn 1 số đặc điểm riêng, làm phong phú thêm sắc thái quần thể kiến trúc lăng tẩm ở Huế.
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.