Lăng Tự Đức được coi là hoàng cung thứ hai sau kinh thành Huế của vua Tự Đức. Lăng được xây dựng trong một thung lũng hẹp thuộc địa phận làng Dương Xuân Thượng, nay là thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, thành phố Huế.
Lăng Tự Đức còn gọi Khiêm Lăng – là nơi an nghỉ của vua Tự Đức, vị vua thứ 4 triều Nguyễn.
Giá vé thám quan lăng: 55.000 đồng/ người lớn. 20.000 đồng/ trẻ em
Vài nét về vua Tự Đức
Tự Đức tên húy là Hồng Nhiệm, sinh ngày 22 tháng 9 năm 1829 nhằm ngày 25 tháng 8 năm Kỷ Sửu. Tự Đức là con thứ 2 của vua Thiệu Trị. Tháng 10 năm Đinh Mùi 1847, Hồng Nhiệm lên ngôi vua ở tuổi 19, là vị vua thứ 4 của triều Nguyễn, lấy niên hiệu là Tự Đức.
Tự Đức rất thông minh, hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực như văn học, nghệ thuật, lịch sử, triết học,… Ông là vị vua có kiến thức sâu rộng, uyên thâm nhất về nền học vấn phương Đông trong số 13 vị vua triều Nguyễn, nhất là Nho học. Vua Tự Đức là một vị vua nhân hậu, yêu nước, thương dân nhưng yếu đuối cả về tính cách lẫn sức khỏe. Tự Đức rất có hiếu với mẹ, ông định ra lịch ngày chẵn chăm mẹ còn lịch ngày lẻ làm việc triều chính.
Tự Đức có tư tưởng bảo thủ và thường không bị thuyết phục bởi những tử tưởng cấp tiến. Theo tài liệu để lại, nhiều vị quan như Phạm Phú Tứ, Nguyễn Trường Tộ, Đinh Văn Điền, Nguyễn Hiệp, Lê Đĩnh đã dâng sớ điều trần xin nhà vua cải cách mọi mặt kinh tế, chính trị, quân sự,… theo mô hình của nhiều quốc gia lúc bấy gờ nhưng ông đã không chấp nhận.
Người Pháp vào Việt Nam, nhà vua bạc nhược, triều đình Huế ươn hèn nên phải ký Hòa ước Quý Mùi (1883), rồi Hòa ước Pa – tơ – nốt (1885), đất nước Việt Nam chia thành 3 kỳ là Bắc, Trung, Nam, chịu sự bảo hộ của nhà nước Pháp.
Ngày 16 tháng 6 năm Quý Mùi, tức ngày 19 tháng 7 năm 1883, vua Tự Đức băng hà, trị vì 35 năm (trị vì lâu nhất trong số 13 vị vua triều Nguyễn), thọ 55 tuổi. Ông có 103 bà vợ và phi, không có con.
Cấu trúc lăng Tự Đức
Lăng Tự Đức được coi là hoàng cung thứ hai sau kinh thành Huế của vua Tự Đức. Lăng được xây dựng trong một thung lũng hẹp thuộc địa phận làng Dương Xuân Thượng, nay là thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, thành phố Huế. Lăng nằm trong một khu đồi thông, cách Huế 8km về phía tây nam.
Lăng Tự Đức được khởi công xây dựng năm 1864, hoàn thành năm 1867.
Trong vòng la thành diện tích khoảng 12ha, có gần 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ chia thành từng cụm trên những thế đất cao thấp, hơn nhau chừng 10m, được kết nối một cách liên hoàn. Các công trình ở cả hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ “Khiêm” đặt cùng tên gọi.
Khu tẩm điện
Bước chân qua cửa lăng là hồ Lưu Khiêm thơ mộng, giữa hồ có đảo Tịnh Khiêm, trên có hồ Xung Khiêm tạ và Dũ Khiêm tạ – nơi nhà vua ngắm cảnh, đọc sách,…
Bước tiếp lên bậc cấp bằng đá Thanh dẫn vào Khiêm Cung Môn sẽ lần lượt đến điện Hòa Khiêm – là nơi vua làm việc khi còn sống, nay thờ bài vị của vua và hoàng hậu. Hai bên tả hữu là Pháp Nghiêm vu và Lễ Khiêm vu, dành cho các quan văn, quan võ theo hầu. Sau điện Hào Khiêm là điện Lương Khiêm – nơi thờ mẹ vua là bà Từ Dũ. Bên phải điện Lương Khiêm là Ôn Khiêm đường – nơi chứa đồ ngự dụng. Bên trái điện Lương Khiêm có nhà hát Minh Khiêm, Chí Khiêm đường (nơi thờ các phi tần) và các viện Y Khiêm, Trì Khiêm,…
Khu lăng
Theo con đường lát gạch uốn lượn mềm mại ven hồ rồi dẫn đến khu lăng mộ với sân chầu, nhà bia, hồ bán nguyệt và Bửu thành.
Ngay sau Bái Đình (sân chầu) với hai hàng tượng quan viên văn võ uy nghi là tới Bi Đình (nhà bia) có tấm bia bằng đá Thanh cao khoảng 5m khắc ghi bài “Khiêm Cung ký” do nhà vua tự soạn, tổng số 4.935 từ, ghi lại cuộc đời, vương nghiệp, những trắc trở, bệnh tật của mình. Trên ngọn đồi nằm bên kia hồ bán nguyệt Tiểu Khiêm Trì là Bửu thành xây bằng gạch, chính giữa có ngôi nhà nhỏ xây bằng đá là nơi nhà vua yên nghỉ.
Lăng Tự Đức là một công trình đẹp nhất trong số các lăng tẩm của các vua Nguyễn. Công trình đã thoát ly nguyên tắc đăng đối cổ truyền. Phong cách kiến trúc phóng khoáng là hiện thân của sự thâm thúy, siêu tuyệt nho gia, sử dụng triệt để yếu tố tự nhiên sẵn có kết hợp với công trình kiến trúc để làm nổi bật ý tưởng, quan niệm, thẩm mỹ của một vị vua thi sĩ, lãng mạn và trữ tình:
Tứ bề núi phủ mây phong
Mảnh trăng thiên cổ, bóng tùng vạn niên
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.