Vào tháng 2 năm 1288, trên vùng biển Vân Đồn đã diễn ra một chiến công vang dội mở đầu cuộc kháng chiến hào hùng lần thứ ba của dân tộc Việt Nam chống quân Nguyên – Mông xâm lược. Đó là trận tập kích và tiêu diệt hoàn toàn đoàn thuyền lương chở 17 vạn hộc của địch do Trương Văn Hổ chỉ huy, cắt đứt hoàn toàn hậu cần tiếp tế cho cuộc chiến tranh xâm lược của chúng. Vị tướng tài chỉ chuy đã làm nên chiến công hiển hách ấy chính là Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư.
Lễ hội Vân Đồn là một hoạt động tín ngưỡng văn hóa để ghi nhớ công ơn, tôn vinh Trần Khánh Dư và những anh hùng đã làm nên chiến công Vân Đồn vang dội năm xưa.
Lễ hội Vân Đồn diễn ra từ ngày 10 đến ngày 20 tháng 6 âm lịch tại xã Quan Lạn ngày nay, trung tâm của cảng Vân Đồn xưa, nơi có đình, đền thờ Trần Khánh Dư và những cộng sự của ông.
Ngày khai hội
Ngày 10 tháng 6, ngay từ sáng sớm, trước cửa đình làng, người ta treo một lá cờ thần lớn, báo hiệu khóa làng, không ai được rời đảo đi đâu, những người ở xa về đảo dự hội.
Cũng trong ngày này, người dân nơi đây làm lễ thay áo, cải lịch cho các nhân thần được thờ trong đình, đền.
Ngày 11 đến ngày 17
Từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 6, trai tráng trong làng chia thành 2 giáp: Giáp Văn gồm những người ở phía Đông – Nam, Giáp Võ gồm những người ở phía Tây – Bắc. Mỗi Giáp thống kê các bé trai sinh ra từ tháng 7 năm trước đến tháng 6 năm sau để thông báo với làng số suất đinh bổ sung. Những gia đình có suất đinh được bổ sung phải sắm một mâm cỗ gồm một ván xôi khoảng 5 – 6 kg gạp nếp, một con gà trống (loại gà giò); cả Giáp mổ một con lợn khoảng 70kg, rồi tất cả đưa lên miếu Đức Ông tế lễ, sau đó đưa về nhà ăn uống, hưởng lộc.
Ngày 14 tháng 6, đàn ông trong làng từ 3 tuổi trở lên được tham gia vào tiệc rượu chung do từng Giáp tổ chức.
Ngày 15 tháng 6, hai Giáp chuẩn bị thuyền rồng để nghênh thần. Thuyền rồng bằng cây nứa, có dán giấy ngũ sắc. Đồ tế khí như kiệu rồng, bát bửu cũng được sửa sang.
Ngày 16 tháng 6, hai Giáp Văn, Giáp Võ tập trung tại đình để tiến hành rước thần. Đoàn người đi rước thần do tướng Văn dẫn đầu, đi sau là tướng Võ. Hai tướng vừa đi vừa đánh trống do trai tráng khiêng đi kèm. Tiếp theo sau là các vị chức sắc và dân làng. Lên đến đền Đức Ông, làm lễ xin âm dương, rước sắc phong thần của triều đình lên kiệu rồng về đình làng. Chiều hôm đó các gia đình đều làm lễ cúng trời đất, tổ tiên, ăn uống vui vẻ cho đến sáng hôm sau. Các bô lão tập trung ở đình làng tế thần, cầu cho dân làng bình an, mạnh khỏe, làm ăn phát đạt.
Trong khói hương ngào ngạt, vang lên gióng giả, đan xen tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng cồng kéo dài suốt đêm cho đến sáng. Cả làng đảo sống trong không khí vừa bồi hồi, náo nức, vừa thành kính tưởng niệm. Thanh niên nam nữ đi lại rầm rập trong đêm. Các bô lão đầu đội khăn xếp, áo dài đem, quần trắng, cầm gậy trúc, đi guốc mộc hết qua Giáp Văn lại đến Giáp Võ đôn đốc, kiểm tra. Trong ngôi chùa làng, hàng trăm ngọn nến được thắp sáng, khói hương nghi ngút, các phật tử thay nhau đọc kinh, lễ Phật.
Ngày hội đua thuyền – ngày hội chính
Ngày 18 tháng 6 là ngày hội đua thuyền. Mỗi Giáp chọn ra 30 thanh niên trai tráng, khỏe mạnh để cầm chèo. Họ tượng trưng cho quân sĩ thời Trần vào trận, tức vào cuộc đua thuyền. Vào sáng ngày 18, quân sĩ hai bên trang phục chỉnh tề, tiến vào đền Đức Ông làm lễ xin lệnh, tiếp nhận binh khí rồi trở về doanh trại luyện tập, nghỉ ngơi chờ lệnh.
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.