Rất nhiều người Việt Nam biết đến câu “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Kinh kỳ là thủ đô Hà Nội ngày nay còn Phố Hiến chính là thành phố Hưng Yên thuộc tỉnh Hưng Yên, cách Hà Nội khoảng 60km.
Từ Hà Nội có thể đến Phố Hiến theo ba con đường. Thứ nhất là đi theo đường 5, đến phố Nối, rẽ theo đường 39A. Con đường thứ hai là men theo đê sông Hồng. Theo hướng đi này, bạn có thể đi từ Hà Nội qua bất kỳ một trong 4 cây cầu là Cầu Long Biên, cầu Chương Dương cầu Vĩnh Tuy và cầu Thanh Trì sang bên này sông Hồng và đi dọc theo đường đê qua làng gốm Bát Tràng, các xã trồng hoa, cây cảnh Phụng Công, Xuân Quan (thuộc huyện Văn Giang), rồi đến các huyện Khoái Châu, Kim Động.
Trên con đê thênh thang, rộng mở, một bên bát ngát những lúa, những nhãn; một bên là những hàng tre xanh mướt rì rào trong gió. Một con đường nữa cũng rất thuận tiện cho bạn có thể đến Phố Hiến là đường giao thông liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên đi qua khu đô thị Ecopark. Việc khánh thành cầu Bắc Hưng Hải (mới) và đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên làm cho lộ trình ngắn hơn hai con đường trên, giảm còn khoảng 40km.
Từ thế kỷ thứ XIII, Phố Hiến đã là một thương cảng. Đến thế kỷ XV trở đi, những tàu buôn của Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và cả những tàu buôn của các nước Châu Âu như Anh, Pháp,… đã từng cập bến Phố Hiến.
Nhưng vì sông Hồng chuyển dòng, ngày càng tiến ra phía biển nên Phố Hiến nhường dần vị trí thương cảng của mình cho Hải Phòng và lưu lại những giá trị văn hóa lâu đời. Phố Hiến ngày nay còn gìn giữ được một quần thể kiến trúc cổ gồm 60 di tích lịch sử, 100 bia ký và nhiều đền chùa. Có thể kể đến một số di tích nổi tiếng của Phố Hiến như Văn Miếu Xích Đằng, chùa Chuông, chùa Hiến, Đền Trần, Đền Mẫu,…
Phố Hiến còn có một đặc sản nổi tiếng cả nước là nhãn lồng – thứ nhãn quả căng tròn, vỏ mỏng, cùi dày, hạt bé và mùi rất thơm, vị thanh và ngọt mát như chè đường. Sở dĩ gọi là nhãn lồng vì cây nhãn rất sai quả, đến mùa quả chín thu hút rất nhiều chim chóc về ăn. Chính vì vậy mà người ta phải làm những chiếc lồng lớn trùm lên cây để chim chóc không ăn được. Xưa kia nhãn lồng, bên cạnh gà Đông Tảo là thứ quả được chọn để cung tiến vua chúa. Ở chùa Hiến có cây nhãn tổ có từ thế kỷ thứ XVI, nay vẫn xum xuê cành lá.
Đến thăm Phố Hiến, bạn có thể đi thăm thú cảnh chùa, thắp hương bái Phật ở chùa Chuông, chùa Hiến hay đến Văn Miếu Xích Đằng tìm hiểu về Khổng Tử, nhà giáo Chu Văn An cũng như lĩnh hội được truyền thống tôn sư trọng đạo, tinh thần hiếu học, nề nếp nho phong của các bậc nho sĩ xưa kia. Bạn cũng có thể đi một vòng quanh hồ Bán Nguyệt, thả mình vào không gian thoáng đãng, mát mẻ với những cơn gió nhẹ từ mặt hồ thổi vào.
Bên cạnh những di tích văn hóa – nghệ thuật có từ lâu đời với những giá trị truyền thống, Phố Hiến – thành phố Hưng yên nay cũng dần khởi sắc trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Mới tách tỉnh từ năm 1997 (từ tỉnh Hải Hưng cũ thành 2 tình Hưng Yên và Hải Dương) nhưng thành phố Hưng Yên đến nay đã xây dựng được nền tảng cơ sở vật chất – kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh với hệ thống đường sá khang trang, sạch đẹp và những tòa nhà cao tầng đồ sộ, những khu buôn bán sầm uất, năng động.
Ngày 27 tháng 11 năm 2011, Hưng Yên long trọng tổ chức kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh, 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 15 năm tái lập tỉnh và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Tới dự lễ kỷ niệm có các đồng chí Trương Tấn Sang, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, đồng chí Trần Đại Quang cùng nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao khác.
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.