Từ năm 1802 đến 1945, Huế là kinh đô của nước Việt Nam thống nhất dưới thời trị vì của 13 đời vua triều Nguyễn. Trong thời gian này, ở Huế đã xuất hiện nhiều công trình kiến trúc mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa có giá trị mà tiêu biểu là kinh thành Huế và Đại Nội (khoảng 100 công trình), bảy khu lăng tẩm của chín đời vua nhà Nguyễn và nhiều công trình khác như Đàn Nam Giao, Hổ Quyền,…
Tháng 12 năm 1993, UNESCO đã chính thức công nhận quần thể di tích cố đô Huế là di sản văn hóa chung của nhân loại. Ngày 2 tháng 8 năm 1994, lễ trao bằng công nhận của UNESCO được long trọng tổ chức tại Hoàng Cung, Huế. Đây là di sản đầu tiên của Việt Nam được chọn vào Danh mục Di sản Thế giới, khẳng định giá trị toàn cầu của quần thể di tích Huế. Quần thể di tích cố đô Huế đã hội đủ các yếu tố:
– Tiêu biểu cho những thành tựu nghệ thuật độc đáo, những kiệt tác do bàn tay con người tạo dựng.
– Có giá trị to lớn về mặt kỹ thuật xây dựng, nghệ thuật kiến trúc trong một kế hoạch phát triển đô thị hay một chương trình làm đẹp cảnh quan tại một khu vực văn hóa của thế giới.
– Quần thể kiến trúc tiêu biểu cho một thời kỳ lịch sử quan trọng.
– Kết hợp chặt chẽ với các sự kiện trọng đại, những tư tưởng hay tín ngưỡng có ảnh hưởng lớn hay với các danh nhân lịch sử.
“Quần thể di tích Huế là kinh đô của nước Việt Nam thống nhất được xây dựng vào đầu thế kỷ 19. Nó kết hợp triết lý Đông phương và truyền thống Việt Nam. Được hòa quyện vào môi trường thiên nhiên, vẻ đẹp với sự phong phú đặc biệt của kiến trúc và trang trí ở các toàn nhà là một phản ánh độc đáo của đế chế Việt Nam ngày xưa vào thời cực thịnh của nó”.
(Biên bản phiên họp lần thứ 17 của UNESCO)
Quần thể di tích cố đô Huế trở thành Di sản Văn hóa Thế giới đã góp phần tích cực và xứng đáng trong việc đem lại vận hội mới cho ngành Du lịch Thừa Thiên Huế nói riêng và cho Du lịch Việt Nam nói chung. Sức hấp dẫn của quần thể di tích cố đô Huế dẫu có được ca ngợi bằng bao ngôn từ đẹp đẽ cũng không thể thay thế cho một lần được đến và chiêm ngưỡng thực tế. Bởi được tận mắt chứng kiến thành quả lao động của con người trên từng chi tiết chạm khắc hay những công trình đồ sộ đã tồn tại với thời gian hàng trăm năm mới hiểu được giá trị đích thực của nó.
Điểm tên các di tích chính trong quần thể di tích cố đô Huế
Di tích ngoài kinh thành Huế
– Phu Văn Lâu
– Tòa Thương Bạc và Lầu Thương Bạc
– Trấn Bình Đài
Di tích trong kinh thành
– Vòng thành thứ nhất – Phòng Thành: bao gồm Kỳ đài, cửu vị Thần Công, Tam Pháp ty, Quốc Tử Giám, hồ Tịnh Tâm, đàn Xã Tắc, đình làng Phú Xuân, Ngục Thất, bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế. Trong đó, Tam Pháp ty, Ngục Thất và đàn Xã Tắc nay không còn dấu tích.
– Vòng thành thứ hai – Hoàng Thành (Đại Nội) được chia thành nhiều khu, mỗi khu lại bao gồm nhiều di tích: Khu đại lễ, khu thờ cúng, khu dành riêng cho Hoàng Thái Hậu, Thái Hoàng Thái Hậu, khu học tập, vui chơi của các hoàng tử.
– Vòng thành thứ ba – Tử Cấm Thành gồm các công trình chính: như Đại Cung môn, Điện Cần Chánh, Tả Vu, Hữu Vu, Đông Các và Tụ Khuê Thơ viện, Điện Văn Minh và Võ Hiển, Điện Càn Thành, Điện Dưỡng Tâm, Lục viện, Viện Tịnh Quang, Lầu Kiến Trung, Lầu Kiến Trung, Lầu Ngự Tiền Văn Phòng, Thái Bình Lâu và Duyệt Thị Đường.
Hệ thống lăng tẩm các vua triều Nguyễn
– Lăng Gia Long (Thiên Thọ lăng)
– Lăng Minh Mạng (Hiếu lăng)
– Lăng Thiệu Trị (Xương lăng)
– Lăng Tự Đức (Khiêm lăng)
– Lăng Đồng Khánh (Tư lăng)
– Lăng Dục Đức (An lăng)
– lăng Khải Định (Ứng lăng)
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.