Quảng Ninh là nơi cư trú và sinh sống của 22 dân tộc Kinh, Dao, Sán Chỉ, Sán Chay, Hoa… Mỗi dân tộc có những nét văn hoá truyền thống riêng của mình; và điều đó thể hiện thật rõ nét ngay trong mâm cỗ Tết…
Hầu như với dân tộc nào thì trên mâm cỗ Tết cũng đều có xôi, điều đó thể hiện rõ nét văn hoá truyền thống gắn với nền sản xuất lúa nước của dân tộc ta. Nhưng với mỗi dân tộc, xôi được chế biến theo cách riêng. Xôi Ngũ sắc là một món xôi đặc trưng của bà con dân tộc Dao.
Trong các loại xôi, đặc sắc nhất là Xôi Năm màu (ửng shệch phàn). Phải là năm, chứ không được bốn hoặc sáu. (Có người giải thích đó là 5 “khí”, “chất” của trời đất: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Một lần đi điền dã vùng người Dao Thanh Y ở Đầm Hà, tôi lại nghe một cụ già giảng giải, đó là ngũ đại, năm đời. Con cháu phải nhớ cúng giỗ năm đời và trong nội tộc năm đời không thể có quan hệ hôn thú…).
Xôi Năm màu vẫn là loại nếp nương thơm lừng, trước khi đồ gạo nếp được ngâm trong các màu xanh, đỏ, tím, vàng, đen rồi vớt ra cho mỗi màu một lớp trong chõ, ngăn cách bằng lá chuối xé rách cho hơi nóng tỏa đều.
Các màu lấy từ nhiều loại lá rừng, đều là những dược liệu được truyền lại từ nhiều đời, vừa không độc vừa có mùi thơm ngon. Màu đỏ lấy từ lá Hung lam (người Việt gọi là cây cơm lông) hoặc lá bơ poong (tiếng Dao), màu tím dùng lá bớ cắm, màu đen dùng lá sau sau (cây sâu cước), màu xanh dùng lá mây, màu vàng dùng quả Dành dành hoặc củ Nghệ. Xôi chín được đơm trong khuôn gói bánh chưng. Nâng khuôn cao dần, hết màu này đến màu khác.
Cũng có thể đóng thành năm khuôn oản bày trong đĩa như hình một bông hoa. Không chỉ đẹp và thơm ngon với nhiều mùi vị của núi rừng mà đĩa xôi, khuôn Xôi Năm màu còn tiềm ẩn những gì thiêng liêng trong tâm linh nên được mọi người rất trân trọng…
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.